Khái niệm

Tham nhũng là gì? Biểu hiện của hành vi tham nhũng, Tác hại của tham nhũng

Tham nhũng là gì?

Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. (Luật Phòng, chống tham nhũng Việt Nam)

Tham nhũng là hành vi của người lạm dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc cố ý làm trái pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân.(Tổ chức Minh bạch Quốc tế).

Phân loại tham nhũng

Có thể chia tham nhũng thành 2 loại: tham nhũng lớn và tham nhũng vặt:.

1/ Tham nhũng lớn xảy ra chủ yếu liên quan đến dự án thu mua lớn và phổ biến trong các dự án xây dựng công cộng và tư nhân, bệnh viện; trong các hợp đồng vũ khí và quốc phòng, trong công nghệ vũ khí mới,….


2/ Tham nhũng vặt
, còn được gọi là tham nhũng hành chính hay tham nhũng quan liêu, là loại tham nhũng diễn ra thường ngày, khi các nhân viên công chức tiếp xúc với quần chúng trực tiếp. Những vụ tham nhũng vặt còn hay xảy ra khi người dân và các công ty tìm cách né tránh nghĩa vụ và các khoản thuế và khi các viên chức lạm dụng quy định theo ý của họ bằng cách cố gắng bòn rút tiền từ các công dân và các công ty.

tham nhũng - nỗi nhức nhối của tất cả mọi người ở các nước đang phát triển
Tham nhũng – nỗi nhức nhối của tất cả mọi người ở các nước đang phát triển


Các dạng và mức độ tham nhũng

1/ Hối lộ: Hối lộ là cho ai đó một lợi ích nào đó để gây ảnh hưởng lên một quyết định hoặc hành động.

2/ Gian lận và Dối trá: Gian lận và dối trá liên quan đến giấy tờ giả mạo, lừa lọc và bóp méo sự thật về những mục đích cá nhân của họ..

3/ Chiếm đoạt: Khi một cá nhân dính vào vụ việc chuyển tiền hoặc hàng hóa phi pháp từ nơi này sang nơi khác thì người đó được coi là thực hiện hành vi chiếm đoạt.

4/ Tham nhũng có hệ thống: Khi tham nhũng không những suy giảm đi mà còn được thừa nhận như “điều tất yếu” và là một phần của thủ tục trong các công việc chung và riêng của một tổ chức và một xã hội thì ta gọi đó là tham nhũng hệ thống.

5/ Tham nhũng có móc ngoặc: Tham nhũng có móc ngoặc xuất hiện trong các mối quan hệ có từ hai cá nhân trở lên. Nó có thể xảy ra khi bản chất của việc giao dịch là phi pháp hoặc khi một trong các bên muốn dành được phần lợi nhiểu nhất so với các bên khác.

6/ Tống tiền: Sử dụng vũ lực, hăm dọa, đe dọa đến một cá nhân hoặc một tổ chức để có được sự bảo hộ, thiên vị hoặc lợi ích từ đối thủ của mình.

7/ Lạm dụng quyền hạn: Một vài cá nhân có thể lạm dụng quyền hạn được giao để phục vụ cho mục đích cá nhân. Tham nhũng dạng này còn bao gồm dung túng và thiên vị.

Tác hại của tham nhũng
Tác hại của tham nhũng

Biểu hiện của hành vi tham nhũng

Hành vi tham nhũng biểu hiện trên thực tế rất đa dạng, dưới nhiều hình thức khác nhau.
Bộ luật hình sự, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định những hành vi sau đây thuộc nhóm hành vi tham nhũng:
– Tham ô tài sản.
– Nhận hối lộ.
– Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.
– Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi.
– Giả mạo trong công tác vì vụ lợi.
– Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi.
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi.
– Nhũng nhiễu vì vụ lợi.
– Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
Trong 12 hành vi tham nhũng nêu trên, có 7 hành vi đã được quy định trong Bộ luật hình sự năm 1999; được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và có hiệu lực từ ngày 1-1-2010), bao gồm:
– Tham ô tài sản: là lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý.
– Nhận hối lộ: là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ
– Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi: là cá nhân vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân
– Lạm quyền trong khi thi hành công vụ: là cá nhân vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi: là cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào, gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm
– Giả mạo trong công tác: là cá nhân vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây:
+ Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;
+ Làm, cấp giấy tờ giả;
+ Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn[4].
Hành vi thứ 8 đến hành vi thứ 12 mới được bổ sung do đây là những hành vi đã phát sinh và đang trở nên phổ biến trên thực tế, cần được quy định cụ thể làm cơ sở pháp lý cho việc xử lý. So với những hành vi tham nhũng tại Pháp lệnh chống tham nhũng và các tội phạm về tham nhũng trong Bộ luật hình sự năm 1999; được sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì Luật phòng, chống tham nhũng có bổ sung 5 hành vi tham nhũng mới. Đây là những hành vi xuất hiện ngày càng phổ biến trong thời gian gần đây. Việc quy định thêm 5 loại hành vi mới này là cần thiết và là cơ sở pháp lý để đấu tranh với những biểu hiện ngày càng phức tạp của tham nhũng. Tuy nhiên, không phải mọi hành vi tham nhũng đều bị xử lý về hình sự mà chỉ những hành vi hội đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm quy định trong Bộ luật hình sự thì mới được xác định là tội phạm và bị xử lý bằng biện pháp hình sự, (các hành vi được quy định từ khoản 1 đến khoản 7, Điều 3 của Luật) còn những hành vi khác (từkhoản 8 đến khoản 12, Điều 3 của Luật) được xác định là hành vi tham nhũng nhưng chưa cấu thành tội phạm thì được xử lý bằng biện pháp kỷ luật.
– Về hành vi “đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi”: Đây là một biểu hiện mới của tệ tham nhũng. Do vẫn còn tồn tại cơ chế “xin-cho” trong nhiều lĩnh vực nên có nhiều cá nhân đại diện cho cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương đã tìm cách hối lộ cho người có chức vụ, quyền hạn phụ trách việc phê duyệt chương trình, dự án, cấp kinh phí, ngân sách để được lợi cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình và thông qua đó để đạt được các lợi ích cá nhân. Hành vi này được coi là hành vi tham nhũng. Điều cần lưu ý là hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ là tội danh được quy định trong Bộ luật hình sự không thuộc nhóm các tội phạm về tham nhũng mà thuộc nhóm các tội phạm về chức vụ. Còn hành vi đưa hối lộ, làm môi giới hối lộ được thực hiện bởi chủ thể có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi thì mới được coi là hành vi tham nhũng. Hành vi này vừa chịu sự điều chỉnh của pháp luật hình sự với tội danh tương ứng (nếu hành vi đó cấu thành tội phạm), vừa là hành vi tham nhũng theo sự điều chỉnh của pháp luật về tham nhũng.
 – Về hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản nhà nước vì vụ lợi”: Đây là hành vi lợi dụng việc được giao quyền quản lý tài sản của nhà nước để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc một nhóm người nào đó thay vì phục vụ cho lợi ích công. Biểu hiện cụ thể của hành vi này thường là cho thuê tài sản như: nhà xưởng, trụ sở, xe ôtô và các tài sản khác nhằm vụ lợi, lượng tài sản cho thuê nhiều khi rất lớn. Hành vi này xảy ra khá phổ biến hiện nay.
– Về hành vi “nhũng nhiễu vì vụ lợi”: Hành vi này xảy ra trong hoạt động của một số cơ quan công quyền, nhất là tại các cơ quan hành chính, nơi trực tiếp giải quyết công việc của công dân và doanh nghiệp. Một số cán bộ, công chức không thực hiện trách nhiệm với thái độ công tâm và tinh thần phục vụ mà ngược lại thường tìm cách lợi dụng những sơ hở hoặc không rõ ràng của các thủ tục, thậm chí tự ý đặt ra các điều kiện gây thêm khó khăn cho công dân và doanh nghiệp để buộc công dân và doanh nghiệp biếu xén quà cáp cho mình. Thực chất của hành vi này là sự ép buộc đưa hối lộ được che đậy dưới hình thức tinh vi rất khó có căn cứ để xử lý. Cũng có thể coi hành vi nhũng nhiễu là hành vi “đòi hối lộ” một cách gián tiếp hoặc ở mức độ chưa thật nghiêm trọng và có thể dùng biện pháp xử lý hành chính.
– Về hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử vì vụ lợi”. Hành vi tham nhũng nhiều khi được che chắn thậm chí là có sự đồng lõa của những người có chức vụ, quyền hạn ở cấp cao hơn. Vì vậy, việc phát hiện và xử lý tham nhũng là hết sức khó khăn. Việc bao che cho người có hành vi tham những, việc cản trở quá trình phát hiện tham nhũng nhiều khi được che đậy dưới rất nhiều hình thức khác nhau như: thư tay, điện thoại, nhắc nhở, tránh không thực hiện trách nhiệm của mình hoặc có thái độ, việc làm bất hợp tác với cơ quan có thẩm quyền…
– Hành vi “không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi” là hành vi thường được gọi là “bảo kê” của những người có trách nhiệm quản lý, đặc biệt là một số người làm việc tại chính quyền địa phương cơ sở, đã “lờ” đi hoặc thậm chí tiếp tay cho các hành vi vi phạm để từ đó nhận lợi ích từ những kẻ phạm pháp. Đây là hiện tượng hết sức nguy hại, cần phải đấu tranh mạnh mẽ.

Tác hại của tham nhũng

1/ Tác hại về chính trị
Tham nhũng là trở lực lớn đối với quá trình đổi mới đất nước và làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, đối với sự nghiệp xây dựng đất nước, tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Tinh thần đổi mới đất nước một cách toàn diện đã mang đến cho đất nước ta thế và lực mới. Những điều chỉnh đúng đắn về chiến lược và sách lược đã phát huy tác dụng của nó và tạo đà cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng lại là một trở lực lớn đối với quá trình này. Quan điểm và tư duy đổi mới cùng với cơ chế, pháp luật đúng đắn, phù hợp đã bị tệ tham nhũng làm cho méo mó. Đối tượng tham nhũng đã lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế, chính sách để thực hiện hành vi tham nhũng. Ngược lại, kẻ tham nhũng lại lợi dụng yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát và các biện pháp khác để doạ dẫm, đòi hối lộ của các đối tượng bị thanh tra, kiểm tra. Cơ chế, chính sách đã trở thành công cụ để thực hiện những lợi ích cá nhân.
Trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, tham nhũng sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư nếu chúng ta không có biện pháp kịp thời ngăn chặn và đẩy lùi mặc dù Việt Nam được coi là quốc gia ổn định, an toàn về chính trị, xã hội. Nhìn vào những thành quả của việc đổi mới có thể nhận thấy chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng luôn đúng đắn, kiên quyết và mạnh mẽ nhưng khi thực hiện thì bị cản trở rất nhiều do người thực hiện xuất phát từ mưu lợi cá nhân. Mặc dù cải cách hành chính tiến bộ bước đầu nhưng cho đến nay, cần thừa nhận rằng, tính phục vụ và tính công tâm nhìn chung vẫn còn là một điều xa lạ của nền hành chính nước ta. Pháp luật về doanh nghiệp và kinh doanh của chúng ta đã được sửa đổi, bổ sung tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng, cởi mở, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sản xuất, kinh doanh nhưng trên thực tế các doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Luật đất đai thường xuyên được sửa đổi, bổ sung nhưng trong quá trình thực hiện vẫn xảy ra rất nhiều vi phạm; chính sách ưu tiên cho con em dân tộc miền núi trong quá trình cử tuyển vào đại học, xét tuyển vào làm công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước đã bị biến thành đặc quyền, đặc lợi của con cháu những người có chức, có quyền hoặc của những kẻ có tiền, chính sách thưởng điểm cho học sinh giỏi khi thi vào đại học bị lợi dụng và trở thành cơ hội cho nạn mua bán điểm hoạt động…
Hiện nay, tình hình tham nhũng ở nước ta đã ở mức nghiêm trọng, đáng báo động. Tham nhũng không chỉ xảy ra ở cấp Trung ương, ở những chương trình, dự án lớn mà còn xuất hiện nhiều trong các cấp chính quyền cơ sở – là cơ quan tiếp xúc với nhân dân hằng ngày, giải quyết những công việc liên quan trực tiếp đến lợi ích của nhân dân. Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX chỉ rõ: “… Điều làm cho nhân dân còn nhiều bất bình, lo lắng, bức xúc nhất hiện nay là tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng, chính trị và phẩm chất, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn còn rất nghiêm trọng…”1.
“Tham nhũng lớn” bị phát hiện ngày càng tăng về số lượng, mức độ thiệt hại, thất thoát. Đi cùng với nó, nhiều vụ “tham nhũng nhỏ” diễn ra công khai. Điều đó làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, gây ra sự bất bình, bức xúc, thậm chí phản ứng của nhân dân đối với chính quyền.
Tác hại nguy hiểm của tệ tham nhũng, lãng phí gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của việc thực hiện chủ trương, chính sách về kinh tế – xã hội hoặc một nhiệm vụ quản lý nhất định của Nhà nước. Tổng quát hơn, sự nghiệp cách mạng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Nhân dân chính là động lực, chủ thể, mục đích của cách mạng. Để nhân dân mất niềm tin, tức là chúng ta đã đánh mất một sức mạnh vô cùng to lớn, thậm chí có tính chất quyết định đối với sự nghiệp cách mạng. Năm 1992, tại Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII, đã nêu: “Tệ tham nhũng, hối lộ, ăn chơi phung phí tài sản của nhân dân rất nghiêm trọng và kéo dài. Những hiện tượng đó gây tác hại rất lớn, làm tổn hại thanh danh của Đảng” . Tháng 1-1994, Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII đánh giá lại: “Tệ quan liêu, tham nhũng và suy thoái về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên làm cho bộ máy của Đảng và Nhà nước suy yếu, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, đối với chế độ bị xói mòn” . Tháng 4-2001, Đại hội Đảng lần thứ IX lại tiếp tục khẳng định: “Điều cần nhấn mạnh là: tình trạng tham nhũng và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang cản trở việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, gây bất bình và làm giảm lòng tin trong nhân dân” . “Nạn tham nhũng diễn ra nghiêm trọng, kéo dài, gây bất bình trong nhân dân và là một nguy cơ lớn đe doạ sự sống còn của chế độ ta” . Nghị quyết số 14 ngày 15-5-1996 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã nêu khái quát tác hại của tệ tham nhũng như sau: “Tình trạng tham nhũng đã và đang gây ra hậu quả hết sức nghiêm trọng, làm xói mòn bản chất của Đảng và Nhà nước, làm tha hoá đội ngũ cán bộ, đảng viên, tiếp tay cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá ta, uy hiếp sự tồn vong của chế độ” . Nghị quyết số 04/NQ-TW ngày 21-8-2006 của Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí tiếp tục nhấn mạnh: “Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”.
Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 tiếp tục khẳng định: Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, tiềm ẩn các xung đột lợi ích, phản kháng về xã hội, làm tăng thêm khoảng cách giàu nghèo. Tham nhũng trở thành vật cản lớn cho thành công của công cuộc đổi mới, cho sức chiến đấu của Đảng, đe dọa sự tồn vong của chế độ.
2/ Tác hại về kinh tế
Tham nhũng gây thiệt hại rất lớn về tài sản của Nhà nước, của tập thể và của công dân.
Ở nước ta, trong thời gian qua, nạn tham nhũng diễn ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, gây thiệt hại lớn đến tài sản của Nhà nước, tiền của, thời gian, công sức của nhân dân. Hàng loạt vụ tham nhũng lớn, nghiêm trọng đã bị phát hiện như: vụ Dệt Nam Định, vụ Tamexco, vụ EPCO Minh Phụng, vụ Mường Tè, vụ Lã Thị Kim Oanh, vụ việc ăn hối lộ trong đường dây chạy Quota dệt may, vụ điện kế điện tử tại Thành phố Hồ Chí Minh… Giá trị tài sản bị thiệt hại, bị thất thoát liên quan tới tham nhũng của mỗi vụ lên tới hàng chục, hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn tỉ đồng. Đó là những con số lớn và đáng lo ngại so với số thu ngân sách hằng năm của nước ta. Trong điều kiện là một nước đang phát triển, mọi nguồn lực cần phải huy động tối đa cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đồng thời phải nỗ lực cho việc xoá đói, giảm nghèo và thực hiện các chính sách xã hội khác thì việc lãng phí, thất thoát tài sản, tiền của, thời gian, công sức do tham nhũng cần được coi là một thứ tội ác phải đấu tranh và xử lý mạnh mẽ.
Với động cơ vụ lợi, một số người đã lợi dụng vị trí của mình trong bộ máy nhà nước hoặc lợi dụng những quyền hạn nhất định được pháp luật hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cho để thực hiện các hành vi nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc các lợi ích khác của Nhà nước, của tập thể hoặc cá nhân. Hậu quả của hành vi tham nhũng không chỉ là việc tài sản, lợi ích của Nhà nước, của tập thể hoặc của cá nhân bị biến thành tài sản riêng của người thực hiện hành vi tham nhũng, mà nguy hiểm hơn, hành vi tham nhũng còn gây thiệt hại, gây thất thoát, lãng phí một lượng lớn tài sản của Nhà nước, của tập thể, của công dân. Vì lợi ích cá nhân mà những kẻ tham nhũng sẵn sàng nhập cả một dây chuyền sản xuất đã lạc hậu hay một con tàu mua về chỉ có thể bán sắt vụn, những công trình xây dựng chưa sử dụng đã hư hỏng…
Ở mức độ thấp hơn, việc một số cán bộ, công chức quan liêu, sách nhiễu đối với nhân dân trong khi thực thi công vụ, lạm dụng quyền hạn trong khi thi hành công vụ khiến cho nhân dân phải mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để có thể thực hiện được công việc của mình như xin cấp các loại giấy phép, giấy chứng nhận, hoặc các loại giấy tờ khác. Nếu xét từng trường hợp một thì giá trị vật chất bị lãng phí có thể không quá lớn, nhưng nếu tổng hợp những vụ việc diễn ra thường xuyên, liên tục trong cuộc sống hằng ngày thì con số bị thất thoát đã ở mức độ nghiêm trọng.
3/ Tác hại về xã hội
Tham nhũng xâm phạm, thậm chí làm thay đổi, đảo lộn những chuẩn mực đạo đức xã hội, tha hoá đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước.
Trước những lợi ích bất chính đã hoặc sẽ có được khi thực hiện hành vi tham nhũng, nhiều cán bộ, công chức đã không giữ được phẩm chất đạo đức của người cán bộ cách mạng. Cán bộ, công chức khi thực hiện hành vi tham nhũng đã không còn làm việc vì mục đích phục vụ sự nghiệp cách mạng, phục vụ nhân dân mà hướng tới việc thu được các lợi ích bất chính, bất chấp việc vi phạm pháp luật, làm trái công vụ, trái lương tâm, đạo đức nghề nghiệp. Vì vậy, tham nhũng không chỉ phát sinh ở trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai… mà còn có xu hướng lan sang các lĩnh vực mà từ trước tới nay ít có khả năng xảy ra tham nhũng như: văn hoá, y tế, giáo dục, thể dục, thể thao. Hành vi tham nhũng còn xảy ra trong một số chương trình trợ cấp cho thương binh, liệt sĩ, các gia đình chính sách; tham nhũng cả tiền, hàng hoá cứu trợ cho đồng bào gặp thiên tai; tham nhũng trong cả xét duyệt công nhận di tích lịch sử, văn hoá, thi đua khen thưởng. Tham nhũng còn xảy ra ở một số cơ quan bảo vệ pháp luật, những cơ quan đại diện cho công lý và công bằng xã hội.
Điều đáng báo động là một số cán bộ, công chức coi việc tham nhũng trở thành bình thường. Họ cho rằng, đối tượng quản lý đương nhiên phải “bồi dưỡng” khi muốn thực hiện các công việc thuộc trách nhiệm của người cán bộ, công chức. Đó chính là biểu hiện của sự suy thoái, xuống cấp về đạo đức một cách nghiêm trọng. Hơn thế, tham nhũng còn xâm phạm những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, khi người thực hiện hành vi tham nhũng có khi là giáo viên, bác sĩ, những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội – những người xây dựng nền tảng tinh thần cho xã hội.

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button