Tin Tức

Cho vay tín chấp – Một xu hướng mới

Hàng loạt các chương trình tín dụng ưu đãi đặc thù thời gian qua, ngoài việc giảm lãi suất cho vay ở tất cả các đối tượng và kỳ hạn thì hệ thống ngân hàng đã chuyển sang một xu hướng mới trong hoạt động tín dụng ở Việt Nam, đó là tăng tỷ lệ cho vay tín chấp và giảm dần phụ thuộc vào tài sản đảm bảo trong mỗi hợp đồng vay vốn.

Thực hiện Nghị quyết 14/NQ-CP, từ tháng 4/2014, NHNN đã tập trung chỉ đạo các TCTD ở sáu địa phương triển khai chương trình cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Trần lãi suất đối với chương trình tín dụng này được quy định là 7%/năm đối với kỳ hạn ngắn, 10%/năm và 10,5%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn.

Tính đến đầu tháng 7, sau hai đợt ký kết cho vay theo chuỗi, các TCTD đã cam kết cho vay 2.720 tỷ đồng đối với 10 DN trên địa bàn sáu tỉnh, thành. Trong đó, các DN ngành cá tra và lúa gạo được các ngân hàng cho vay nhiều nhất với tổng số vốn trên 2.600 tỷ đồng. Gần 100 tỷ đồng còn lại được các ngân hàng cam kết cho vay đối với các dự án trồng hoa lan, nuôi bò sữa, trồng gừng và rau màu.
Điều đáng ghi nhận ở chương trình cho vay theo chuỗi là tỷ lệ cho vay tín chấp lên tới 90% tổng giá trị hợp đồng, các DN chỉ còn thế chấp 10% bằng tài sản đảm bảo. Điều này mở ra cơ hội cho các DN có uy tín về sản xuất kinh doanh ở các địa phương phục hồi sản xuất và tăng trưởng.

Bên cạnh chương trình cho vay theo chuỗi, thực hiện Chỉ thị 11/CT-TTg, từ đầu năm 2014, NHNN đã xác định đẩy mạnh hoạt động cho vay kết nối NH-DN năm 2014 tại TP. Hồ Chí Minh. Đặc điểm của chương trình tín dụng này cũng như chương trình cho vay theo chuỗi là tỷ lệ tín chấp rất cao. Nhiều hợp đồng vay vốn lớn với giá trị hàng trăm tỷ đồng, nhưng được các DN chuyển dòng tiền cho ngân hàng quản lý, bởi đa số các DN được chọn tham gia chương trình kết nối đều được chính quyền địa phương chọn lọc, giới thiệu. Bản thân các DN cũng có uy tín cao, có phương án kinh doanh và có trách nhiệm trong việc sử dụng vốn.

Nhằm đẩy mạnh phát triển chương trình kết nối NH-DN, tháng 4/2014, NHNN ban hành Công văn số 2667/NHNN-VP triển khai nhân rộng chương trình này ra tất cả các tỉnh thành trong cả nước. Theo đó hàng chục địa phương đã tiến hành hoạt động cho vay kết nối NH-DN. Chỉ trong vòng 3 tháng, nguồn vốn TCTD tại các địa phương cam kết cho DN vay đã đạt con số vài chục nghìn tỷ đồng. Nhiều DN đã vay được vốn hàng trăm tỷ đồng không cần tài sản đảm bảo nợ vay…
Như vậy, việc cho vay tăng tỷ lệ tín chấp đã được triển khai trên thực tiễn nhưng mới chỉ ở quy mô hạn chế. Đến cuối tháng 7 vừa qua, khi NHNN ban hành Văn bản số 5342/NHNN-TTGSNH khuyến khích các TCTD chủ động tiếp cận với khách hàng để tư vấn, hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ vay vốn không dùng tài sản thế chấp là nhà xưởng, bất động sản như thời gian qua thì hoạt động này được tiếp thêm động lực.

Ngoài chỉ đạo mở rộng hình thức cho vay tín chấp, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam cũng yêu cầu các TCTD xây dựng quy trình thu thập, khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm từ các tổ chức hoạt động chính thức như: Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm DN…, kết hợp với hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của TCTD nhằm tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, đơn giản hóa thủ tục cho vay, cơ cấu lại các khoản vay tiêu dùng có lãi suất cao trước đây.

Mặc dù, quá trình chuyển đổi này đòi hỏi phải có thời gian và sự hỗ trợ của các ngành, đặc biệt thay đổi tư duy trong xã hội về tài sản đảm bảo nợ vay. Trong đó, sự hỗ trợ lãi suất từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước cần tiếp tục được duy trì như một bệ đỡ ban đầu, cho đến khi hoạt động kinh tế ổn định bền vững và tỷ lệ nợ xấu giảm về mức an toàn theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, những nỗ lực của hệ thống ngân hàng trong suốt những tháng qua cũng cần được nhìn nhận như một đóng góp lớn vào việc đảm bảo thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội mà Chính phủ đã đặt ra từ đầu năm.

 

Theo Thời Báo Ngân Hàng.

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button