Khái niệm

Minh bạch tài sản, minh bạch tài sản là gì? Làm thế nào để công khai, minh bạch tài sản?

Làm thế nào để công khai, minh bạch trở thành bắt buộc chứ không chỉ trông chờ vào sự tự giác của mỗi người?

Theo kinh nghiệm quốc tế, để công tác PCTN đạt kết quả thì việc xây dựng một nền quản trị quốc gia tốt là hết sức quan trọng. Một nền quản trị tốt sẽ hướng tới một nhà nước pháp quyền, cởi mở và thân thiện, đề cao và tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân. Đó chính là “tấm khiên” vững chãi để ngăn ngừa nguy cơ tham nhũng đồng thời là nền tảng đảm bảo cho sự thành công của các nỗ lực PCTN.

Minh bạch tài sản
Minh bạch tài sản

Hiện nay Chính phủ đang trong quá trình xây dựng dự thảo Luật PCTN mới thay thế cho luật hiện hành. Đây là cơ hội tốt để sửa đổi, hoàn thiện các qui định về minh bạch tài sản, thu nhập giúp cho chế định này trở thành giải pháp thực sự hữu hiệu trong chính sách phòng, chống tham nhũng của Việt Nam.

Tìm hiểu về vấn đề minh bạch tài sản qua phần trả lời phỏng vấn của Bà Đào Nga, Giám đốc Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) – Cơ quan đầu mối của Minh bạch Quốc tế tại Việt Nam, trên báo Khoa học & Đời sống.

Người dân chưa được tiếp cận bản kê khai

Một báo cáo mới đây cho thấy trong vòng 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng, có 17 trường hợp bị xử lý vi phạm quy định về kê khai tài sản. Con số này nói lên điều gì, thưa bà?

Theo yêu cầu của Công ước của Liên Hợp Quốc về Chống Tham nhũng (mà Việt Nam là một thành viên), các quốc gia thành viên cần nỗ lực ban hành, duy trì và củng cố các chính sách nhằm tăng cường minh bạch và hiệu quả hoạt động của khu vực công, bao gồm cả việc thúc đẩy tính liêm chính, trung thực và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức.

Tuy nhiên, quá trình đánh giá 10 năm việc thực hiện Luật PCTN vừa qua cho thấy cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có chức vụ, quyền hạn còn yếu; việc kê khai, tài sản thu nhập còn mang tính hình thức và hiệu quả thấp; pháp luật hiện cũng không có qui định xử lý trường hợp tài sản tăng thêm mà không giải trình rõ nguồn gốc.

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN vừa qua, chỉ có 17 trường hợp bị xử lý vi phạm quy định về kê khai tài sản trong khi hoạt động thanh tra đã phát hiện 670 vụ với trên 1,800 đối tượng có hành vi, biểu hiện tham nhũng với số tiền, tài sản liên quan là trên 1 nghìn tỷ đồng. Các con số này cho thấy biện pháp minh bạch tài sản, thu nhập hiện nay chưa hiệu quả và chưa có tác dụng ngăn ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng.

Công khai, minh bạch trong kê khai tài sản được Chính phủ đánh giá là công cụ hữu hiệu nhất để phòng chống tham nhũng, nhưng trong thực tế dường như đó lại là công cụ kém hiệu quả nhất?

Minh bạch tài sản, thu nhập, hay nói cách khác là kê khai, công khai tài sản của cán bộ, công chức được coi là một trong những biện pháp quan trọng để phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, pháp luật hiện nay chưa quy định việc phải công khai rộng rãi thông tin về tài sản và thu nhập. Bản kê khai chỉ được niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc công bố tại các cuộc họp, hội nghị của cơ quan, đơn vị. Do đó, người dân không được tiếp cận với các bản kê khai về tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức.

Tại sao chỉ khi xảy ra vụ việc nào đó mới vỡ lở ra cá nhân đó có bao nhiêu nhà, bao nhiêu tài sản… Điều đó chứng tỏ người ta kê khai nhưng mình chưa xác minh nghiêm túc?

Việc kê khai tài sản vẫn còn mang nặng tính hình thức vì các cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền chưa chủ động trong việc tiến hành xác minh tài sản của cán bộ, công chức và đảng viên. Các bản kê khai chỉ được xác minh khi có sự nghi ngờ tính chính xác của các thông tin này; khi cần phải thu thập thêm thông tin cho việc bầu cử, bổ nhiệm, bãi nhiệm hay kỷ luật một cán bộ công chức; khi có cơ sở cho rằng việc giải thích nguồn gốc tài sản tăng thêm là không hợp lý hoặc theo yêu cầu cụ thể của một cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài ra, số lượng các cán bộ, công chức phải kê khai thu nhập và tài sản quá nhiều cũng là một nguyên nhân làm cho toàn bộ hệ thống kê khai tài sản khó xử lý.

Tham nhũng vặt rất phổ biến

Là người công tác trong lĩnh vực chống tham nhũng, theo bà tham nhũng ở Việt Nam có gì khác với các nước trên thế giới ?

Tham nhũng theo định nghĩa của tổ chức Minh bạch Quốc tế là việc “lạm dụng quyền hạn được trao để tư lợi”. Có thể nói tham nhũng là vấn đề toàn cầu và không nước nào “miễn dịch” với tham nhũng; bản chất của các hành vi tham nhũng là giống nhau cho dù xảy ra ở Việt Nam hay nước khác trên thế giới.

Tuy nhiên, các hình thức biểu hiện của tham nhũng rất đa dạng và ở các nước khác nhau thì các vấn đề tham nhũng nổi lên cũng có thể có điểm khác nhau. Ví dụ, ở Việt Nam mọi người có thể nhận thấy tình trạng tham nhũng vặt rất phổ biến: Đó là những khoản bôi trơn trong các giao dịch với cán bộ nhà nước trong các lĩnh vực dịch vụ công như y tế, giáo dục, đất đai, giao thông, thuế, hải quan, xây dựng… Trong khi ở một số nước khác thì vấn đề tham nhũng nổi cộm lại có thể là tham nhũng trong lĩnh vực bầu cử (tình trạng mua phiếu bầu hoặc bí mật nhận các khoản tài trợ lớn từ các tập đoàn để vận động tranh cử…).

 Theo bà, để việc kê khai tài sản trở thành công cụ phòng chống tham nhũng, thì cần có những yếu tố gì?

Theo chúng tôi, để đảm bảo hiệu quả thực thi cho biện pháp minh bạch tài sản, thu nhập trong đấu tranh chống tham nhũng, cần lưu ý đến các yếu tố sau:

• Qui định phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai cần tính đến việc phù hợp với năng lực, khả năng quản lý của cơ quan nhà nước có liên quan bởi nếu đối tượng phải kê khai tài sản và thu nhập tăng lên nhiều thì sẽ có thể là gánh nặng và thách thức lớn cho công tác quản lý hành chính và lưu trữ thông tin của nhà nước. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy hiệu quả của hệ thống kê khai tài sản và thu nhập phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có việc giới hạn phạm vi và số lượng người kê khai vào nhóm đối tượng là quan chức cao cấp.

• Cần có một cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm chính và có đủ thẩm quyền, nguồn lực để làm công tác quản lý, xác minh các bản kê khai tài sản theo một quy trình có hệ thống để đảm bảo tính chính xác của việc kê khai, đồng thời tạo điều kiện sử dụng thông tin kê khai để phát hiện nguy cơ tham nhũng.

• Cần công khai thông tin về các bản kê khai tài sản rộng rãi tới công chúng bởi đây là một cách hiệu quả để huy động sự tham gia của xã hội, đặc biệt là báo chí và người dân, vào việc giám sát tài sản/thu nhập của cán bộ, công chức và phát hiện tham nhũng.

• Cần có các biện pháp, chế tài đủ mạnh đối với những hành vi vi phạm, bao gồm cả việc kê khai không trung thực tài sản, thu nhập hay không giải trình được một cách hợp lý phần tài sản, thu nhập tăng thêm. Các biện pháp đó có thể là kỷ luật, cách chức người có hành vi vi phạm; phong toả tài khoản, kiểm soát/tịch thu tài sản, …

 

Hiện TTCP đang xây dựng Đề án Cơ sở dữ liệu về minh bạch tài sản, thu nhập với sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố. Theo dự thảo lần này, khi hệ thống cơ sở dữ liệu được xây dựng, đối tượng phải kê khai với kỳ kê khai, loại tài sản kê khai được xác định là loại thông tin động, có thể thay đổi linh hoạt theo yêu cầu của pháp luật hiện hành. Hệ thống này sẽ được kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia của công dân, đồng nghĩa với việc kết nối với thông tin dữ liệu về thuế, đất đai và thông tin quản lý tài sản.

Hình thức xử lý chưa mang tính răn đe

Theo Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ Phạm Trọng Đạt, nguyên nhân ít phát hiện và xử lý kê khai không trung thực là do kê khai tài sản, thu nhập dựa trên nguyên lý tự kê khai và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu không chịu kê khai, kê khai không trung thực thì đều có hình thức xử lý song quan trọng là có phát hiện được không. Cũng theo khảo sát của TTCP, 69,5% số người cho rằng việc xử lý các trường hợp vi phạm cụ thể về minh bạch còn ít, chưa mang tính răn đe.

Theo Luật Phòng, chống tham nhũng, các đối tượng phải minh bạch tài sản, thu nhập bao gồm: Cán bộ từ Phó trưởng phòng của UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên và tương đương trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị; một số cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn; người làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân; người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND. Như vậy, số đối tượng phải minh bạch tài sản là khá nhiều. Theo kinh nghiệm quốc tế, quy định nhiều đối tượng có thể truyền tải thông điệp rằng Nhà nước rất quan tâm tới việc phòng chống tham nhũng, song lại khiến việc thi hành biện pháp minh bạch tài sản, thu nhập khó hiệu quả.

TTCP cũng thừa nhận việc xác minh tài sản, thu nhập nhằm làm rõ tính trung thực của việc kê khai còn ít được thực hiện; kết quả kê khai chưa được công khai rộng rãi. Một phần do số đối tượng phải thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập khá lớn, người kê khai và người quản lý còn lúng túng và thụ động trong quá trình thực hiện việc khê khai, công khai và khai thác thông tin liên quan đến kê khai, minh bạch tài sản. Đó là chưa nói cơ chế giải trình về tài sản và xử lý tài sản bất minh còn thể hiện sự lúng túng, vướng mắc; chưa gắn kết được việc theo dõi, thu thuế thu nhập cá nhân với việc kê khai tài sản, thu nhập tăng thêm; chưa ban hành được văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát tài sản, tiêu dùng của người có chức vụ, quyền hạn; chưa xây dựng được hệ thống dữ liệu để theo dõi, quản lý việc kê khai tài sản.

Bởi thế, nhiều ý kiến cho rằng, sắp tới khi tiến hành sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng, cần nghiên cứu để hạn chế bớt số đối tượng phải minh bạch tài sản, thu nhập theo hướng “ít mà hiệu quả”. Bên cạnh đó, một trong những giải pháp quan trọng để việc minh bạch tài sản hiệu quả là phải nghiên cứu tạo đầu mối tập trung, hướng đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm thu thập, quản lý và tổng hợp thông tin về kê khai, minh bạch tài sản trên toàn quốc.

Minh bạch tài sản, thu nhập được đánh giá là công cụ hiệu quả trong cuộc chiến chống tham nhũng, có khả năng hỗ trợ cả 2 khâu ngăn ngừa và cưỡng chế thu hồi tài sản tham nhũng. Điều này đã được công nhận trong Công ước Liên Hợp Quốc về Phòng chống tham nhũng (UNCAC) và nhiều hiệp định phòng chống tham nhũng quốc tế. Ở nước ta, biện pháp này đã được quy định trong nhiều văn bản pháp luật, trong đó có Luật Phòng, chống tham nhũng.

Mặc dù vậy, hiệu quả của việc thực hiện biện pháp này ở nước ta còn nhiều điều để bàn. Theo khảo sát 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng (2005 – 2015) do Thanh tra Chính phủ (TTCP) thực hiện, có tỷ lệ khá cao người tham gia (bao gồm cả đối tượng là công chức, viên chức và người dân) không đánh giá cao hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là các biện pháp liên quan đến cá nhân. Đáng nói là tỷ lệ người cho rằng việc thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập hoàn toàn không hiệu quả lên tới 34%.

Đa số người tham gia cho rằng các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập còn nhiều bất cập. Trong đó, 54,3% số người tham gia lo ngại việc người có nghĩa vụ minh bạch tài sản, thu nhập chuyển tài sản cho người khác; 75% cho rằng thông tin đưa ra trong bản kê khai tài sản chỉ phản ánh một phần thực trạng tài sản của người có nghĩa vụ kê khai. Đặc biệt, việc minh bạch tài sản, thu nhập ít được thực hiện hoặc không giúp phát hiện hành vi tham nhũng là ý kiến của 74,7% số người tham gia.

Các số liệu thực tế về kết quả thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập cũng phản ánh thực tế đáng ngại trên. Theo thống kê mới nhất của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về kê khai tài sản từ năm 2007 – 2014, đã có trên 5,55 triệu lượt kê khai tài sản, xác minh được 2.632 trường hợp. Tuy nhiên, số người sau kê khai bị phát hiện vi phạm, bị xử lý kỷ luật chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cụ thể, từ năm 2007 – 2014, chỉ có… 18 cán bộ bị xử lý kỷ luật vì kê khai không trung thực. Trong đó, năm 2009 kỷ luật 3 người, năm 2010 cao nhất với 9 người, còn lại năm 2013 và 2014 mỗi năm 3 người.

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Check Also
Close
Back to top button