Tin Tức

Xu hướng phát triển cho vay tín chấp

Thị trường cho vay tín chấp ngày càng sôi động

Ngân hàng Nhà nước đã có một số dự thảo thông tư có thể sẽ ban hành chính thức trong thời gian tới, trong đó có dự thảo Thông tư quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, và dự thảo Thông tư quy định về tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính. Theo đó hoạt động vay tiêu dùng có thể sẽ tách khỏi ngân hàng và chuyển giao cho các công ty tài chính, hàng loạt ngân hàng đang “ráo riết” thành lập công ty tài chính (CTTC).

ACB cũng dự kiến thành lập Công ty TNHH MTV Tài chính tổng hợp Ngân hàng Á Châu với vốn điều lệ 500 tỷ đồng, gồm các hoạt động: tín dụng tiêu dùng, cho thuê tài chính, bao thanh toán.

Sacombank thì hoạch định xây dựng CTTC với điều lệ 500 tỷ đồng song song với phương án thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ dưới hình thức liên doanh với nước ngoài.

Trong khi đó, tại đại hội cổ đông thường niên năm 2015 tổ chức vào giữa tháng 4 qua, Ngân hàng BIDV cũng đã trình kế hoạch lập CTTC nhằm gia tăng thị phần bán lẻ, phục vụ toàn diện các nhóm khách hàng, đa dạng hóa kinh doanh.

Trước đó nhiều các ngân hàng đã mua lại công ty tài chính để tái cơ cấu như: HDBank đã mua lại CTTC Việt (SGVF), Maritime Bank mua lại CTTC Dệt may, Techcombank mua lại CTTC hóa chất Việt Nam…

Không đứng ngoài cuộc, các ngân hàng Nam A Bank, Dong A Bank, OCB… đều đã thông qua kế hoạch mở rộng khai thác lĩnh vực TCTD bằng việc ra mắt các CTTC với vốn điều lệ 500 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB), cho rằng, thị trường có những phân khúc khách hàng khác nhau và bản thân khách hàng cũng cần những sản phẩm nhanh hơn. Vì vậy, các ngân hàng cần có CTTC tiêu dùng để đáp ứng nhu cầu ấy và quản lý rủi ro.

Ngoài các thương hiệu trong nước, hiện có một số CTTC đến từ Nhật, Nga đang làm thủ tục để chuẩn bị thâm nhập thị trường.

Việc các ngân hàng thành lập CTTC sẽ giúp cho thị trường TCTD sôi động hơn vì nếu ngân hàng thương mại không tách riêng hoạt động cho vay tiêu dùng thì chi phí rủi ro sẽ dàn trải trên cả bảng tổng kế tài sản của ngân hàng và rất khó để kiểm soát.

Nếu tách bạch hoạt động cho vay tiêu dùng của ngân hàng thì Chính phủ sẽ có một bức tranh cụ thể hơn về ngành và cũng dễ quản lý hơn cho Ngân hàng Nhà nước.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Friedrich Weiss, quyền Tổng giám đốc Home Credit Việt Nam, cho biết, suốt 6 năm qua, Công ty đã phát triển rất tốt ở Việt Nam với tỷ lệ tăng trưởng ổn định, và cao gấp đôi so với các công ty ở nước khác trong cùng tập đoàn. Sự tăng trưởng tốt của Home Credit cho thấy tiềm năng phát triển của thị trường TDTD Việt Nam vẫn còn, và miếng bánh vẫn đủ lớn để chào đón thêm những CTTC có kinh nghiệm và năng lực.

Phần lớn các khoản cho vay tín chấp tiêu dùng được cung cấp dưới hình thức cho vay trả góp

Thị trường cho vay tín chấp bị chia nhỏ

Theo báo cáo của Công ty Truyền thông tài chính Stox Plus, tổng quy mô thị trường TCTD năm 2013 đạt gần 188.000 tỷ đồng (khoảng 8,88 tỷ USD), với mức tăng trưởng trên 12%/năm và chỉ chiếm 5,4% GDP.

Cũng theo báo cáo này, quy mô dư nợ chủ yếu là các khoản cho vay tiêu dùng có đảm bảo bằng tài sản như vay mua nhà, vay sửa chữa nhà, vay mua ô tô… và được triển khai thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. Trong khi đó, các khoản cho vay tín chấp tiêu dùng với giá trị thấp như xe máy, điện thoại, đồ gia dụng… do các CTTC triển khai, có quy mô khiêm tốn, chỉ 4% trên tổng số dư nợ. Do đó, thị trường TCTD còn nhiều cơ hội để phát triển.

Thị trường nhiều tiềm năng nhưng không dễ để các doanh nghiệp mở rộng quy mô. Đặc biệt, các công ty tài chính mới càng khó khăn trong việc tìm chỗ đứng vì “với một thị trường mới đang trên đà phát triển thì sẽ có rủi ro. Những công ty mới thiếu kinh nghiệm, yếu trong khâu quản trị rủi ro sẽ gặp khó khăn và như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến “sức khỏe tài chính” của cả thị trường”, một chuyên gia trong lĩnh vực TCTD phân tích.

Trên thực tế, những thương hiệu mạnh vẫn gặp trở ngại trong chiến lược phát triển. Năm 2013, Ngân hàng HDBank đã mua lại 100% vốn của Công ty Tài chính Việt Société Générale (SGVF), một trong những CTTC lớn nhất Việt Nam và đổi tên thành HDFinance. Ngay sau đó, HDFinance đã liên tục mở rộng và đạt đến gần 3.000 điểm giới thiệu dịch vụ trên 63 tỉnh-thành, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ đa dạng như cho vay mua xe máy, xe tải nhẹ, hàng điện máy, điện thoại, nội thất, du lịch.

Thế nhưng đến tháng 4/2015, sau một năm hoạt động, HDFinance đã bán 49% cổ phần cho tập đoàn tài chính hàng đầu Nhật Bản Credit Saison; và đổi tên thành HB Saison Finance, chuyên cung cấp dịch vụ như thẻ tín dụng, thẻ trả trước, sản phẩm cho vay… Theo truyền thông từ HBBank, việc hợp tác này sẽ mở ra cơ hội phát triển cho HBFinance ở thị trường cung cấp dịch vụ tài chính bán lẻ đầy triển vọng.

Ngay như Home Credit Việt Nam – thương hiệu dẫn đầu thị trường TCTD hiện nay cũng phải tạm ngưng việc phát triển hệ thống phân phối và chú trọng vào chiều sâu. Ông Friedrich Weiss, cho biết, trước áp lực của sự ra mắt từ các CTTC trong nước và các tổ chức tài chính nước ngoài, Home Credit đã chấp nhận giảm một phần lợi nhuận để nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.

Home Credit sẽ thiết lập một tiêu chuẩn riêng bằng cách đầu tư về sản phẩm và chất lượng dịch vụ cũng như tiên phong trong việc nâng cao kiến thức tài chính cho khách hàng.

“Năm ngoái chúng tôi tăng trưởng khá nhanh. Năm nay, Home Credit không chú trọng tăng trưởng theo chiều rộng mà tập trung nâng chất lượng dịch vụ, đầu tư vào các công cụ nhằm gia tăng sự hài lòng của khách hàng. Việc này đã giúp chúng tôi duy trì sự tăng trưởng ổn định trong qúy I/2015 và có thành tựu trong việc làm tăng sự hài lòng của khách hàng. Bằng chứng là tỷ lệ khiếu nại của khách hàng vào cuối năm 2014 đã giảm 40% so với mức đầu năm”, ông Friedrich Weiss chia sẻ.

Đánh giá về động thái thị trường, một chuyên gia trong lĩnh vực TCTD cho rằng, khi nhiều CTTC vào thì thị trường sẽ năng động hơn và người tiêu dùng sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn. Tuy nhiên, “chúng ta nên chào đón những công ty có kinh nghiệm để giúp thị trường lành mạnh hơn, những công ty thiếu kinh nghiệm sẽ ảnh hưởng xấu đến cả thị trường”, chuyên gia này nói.

Xu hướng phát triển tất yếu của dịch vụ cho vay tín chấp

Cho vay tín chấp tiêu dùng lãi suất cao nhưng vẫn không cản trở được sự phát triển của dịch vụ này

Các khoản cho vay tiêu dùng được sử dụng để mua sắm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cá nhân và hộ gia đình, Quy mô vay tiêu dùng thường nhỏ, kỳ hạn khoản vay thường là ngắn hạn và trung hạn. Phần lớn các khoản vay tiêu dùng được cung cấp dưới hình thức cho vay trả góp. Các khoản cho vay tín chấp tiêu dùng không có tài sản đảm bảo.

Chi phí cho một đơn vị dư nợ vay tiêu dùng có thể cao hơn chi phí cho một đơn vị vốn cho vay thương mại 2 đến 5 lần. Rủi ro tín dụng của các khoản vay tiêu dùng cũng cao hơn cho vay thương mại, làm cho chi phí bù rủi ro có thể cao hơn khoảng 7 đến 10 lần.

Trong khi đó, doanh thu thu được từ khoản cho vay tiêu dùng thường nhỏ hơn và bấp bênh hơn so với doanh thu thu được từ khoản cho vay thương mại. Đối với các công ty tài chính cho vay tiêu dùng chi phí cho các khoản cho vay tiêu dùng còn cao hơn của các NHTM, bởi chi phí đầu vào lớn hơn và  đôi khi cũng có thể bao hàm cả chi phí cho các dịch vụ khác như phí chuyển khoản qua ngân hàng, phí bảo hiểm…

Đó là những điểm chủ chốt tác động đến quá trình hình thành và chi phí hình thành khoản vay, từ đó, làm cho lãi suất cho vay tín chấp tiêu dùng cao hơn lãi suất cho vay thế chấp

Mức lãi suất cho vay tiêu dùng cao, hiện vẫn là một vấn đề gây ra nhiều lo ngại đối với hoạt động cho vay tiêu dùng, song không thể cản trở sự phát triển tất yếu của loại hình sản phẩm tài chính này, bởi những lợi ích mang lại, đó là đáp ứng được những nhu cầu cá nhân trong tiêu dùng trước khi có thu nhập có thể mang lại. Lợi ích này chắc chắn lớn hơn mức chênh lệch lãi suất phải trả cao hơn cho vay thương mại.

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button